NGUỒN GỐC, MỤC ĐÍCH, Ý NGHĨA CỦA NGÀY PHÁP LUẬT NƯỚC CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Ngày 09/11/1946, bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được ban hành đánh dấu mốc son trong lịch sử lập pháp của Việt Nam, đây là một sự kiện chính trị - pháp lý có ý nghĩa đặc biệt quan trọng mở đầu con đường phát triển mới của lịch sử lập hiến của đất nước. Sau Hiến pháp năm 1946 là các bản Hiến pháp (năm 1959, 1980, 1992 và hiện hành là Hiến pháp 2013).
Căn cứ theo Điều 8 Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật 2012 quy định Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam như sau:
“Ngày 09 tháng 11 hằng năm là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ngày Pháp luật được tổ chức nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.”
Như vậy, ngày 09 tháng 11 hằng năm là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Chính là ngày bản Hiến pháp đầu tiên của Việt Nam được ban hành.
Bên cạnh đó, Ngày Pháp luật Việt Nam còn có ý nghĩa:
+ Thượng tôn Hiến pháp và pháp luật
+ Xây dựng niềm tin, tình cảm, thái độ ứng xử phù hợp với quy định của Hiến pháp và pháp luật
+ Đề cao giá trị con người, xây dựng nhân cách tạo nên sự bền vững của ý thức pháp luật, của kỷ cương, phép nước
+ Nâng cao hiệu quả xây dựng, phổ biến, giáo dục pháp luật và thi hành pháp luật, đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền của Nhân dân, do nhân dân, vì Nhân dân
+ Hướng tới xây dựng nền văn hóa pháp lý
Ngày Pháp luật có ý nghĩa giáo dục sâu sắc trong việc đề cao giá trị của pháp luật trong nhà nước pháp quyền, hướng mọi tổ chức, cá nhân tính tích cực tham gia với hành vi, thái độ xử sự pháp luật đúng đắn. Đề cao quyền cũng như trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi công dân nói chung và cán bộ, công chức, viên chức nói riêng trong học tập, tìm hiểu pháp luật và tự giác chấp hành pháp luật.
Ngày pháp luật nước CHXHCN Việt Nam năm 2024 mang chủ đề:
“ Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật; hỗ trợ, đồng hành, tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân, doanh nghiệp; triển khai đồng bộ, thống nhất, kịp thời, hiệu quả Luật Thủ đô nhằm xây dựng Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam”
- Thực hiện có hiệu quả các hoạt động hưởng ứng Ngày pháp luật Việt Nam UBND xã Cổ Đông đã tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa, phát huy vai trò tiền phong, gương mẫu của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong tìm hiểu và chấp hành pháp luật. Đặc biệt là pháp luật an toàn giao thông đường bộ, chấp hành: “ Đã uống rượu bia là không lái xe”.
- Trên các tuyến đường sáng, xanh, sạch đẹp của xã, băng zôn khẩu hiệu tuyên truyền hưởng ứng Ngày pháp luật được trang hoàng rực rỡ, là hình thức tuyên truyền trực quan để Nhân dân biết đến Ngày pháp luật và nhiệt tình thực hiện các hoạt động hưởng ứng.
- Tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức, nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành. UBND xã Cổ Đông phối hợp với UBND thị xã Sơn Tây tổ chức tuyên truyền Luật Thủ đô, Luật Đất đai năm 2024 cho Nhân dân. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trên mạng xã hội, Trang thông tin điện tử và Đài truyền thanh xã.
- Đẩy mạnh giáo dục ý thức tuân thủ và chấp hành pháp luật của Nhân dân; tăng cường truyền thông chính sách tạo sự đồng thuận của xã hội; tuyên truyền gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến trong xây dựng, thực hiện và bảo vệ pháp luật; các mô hình hay, cách làm hiệu quả trong công tác PBGDPL; phê phán, đấu tranh với hành vi vi phạm pháp luật hoặc lệch chuẩn xã hội.
- Chỉ đạo các Nhà trường thực hiện các hoạt động ngoại khóa hưởng ứng Ngày pháp luật, yêu cầu học sinh ký cam kết và chấp hành các quy định của Luật an toàn giao thông đường bộ, tuyên truyền phòng chống bạo lực học đường, tệ nạn xã hội nhằm nâng cao sự hiểu biết và ý thức tự giác chấp hành pháp luật của thế hệ trẻ xã Cổ Đông.
Thông qua các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam góp phần nâng cao nhận thức và ý thức thượng tôn pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, sinh viên và các tầng lớp Nhân dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh.