SƠN TÂY - DẤU ẤN NGÀY GIẢI PHÓNG 3/8/1954 .

26/07/2023
SƠN TÂY - DẤU ẤN NGÀY GIẢI PHÓNG 3/8/1954 .

 Thị xã Sơn Tây là một trong “tứ trấn” phía Tây kinh thành Thăng Long xưa, còn gọi là trấn Đoài (hay xứ Đoài), tự hào là vùng đất địa linh, nhân kiệt, nơi duy nhất "một ấp sinh hai vua". Thị xã Sơn Tây cách trung tâm Thủ đô Hà Nội 42km về phía tây có vị trí chiến lược quan trọng cả về kinh tế - xã hội, chính trị và quân sự của Thủ đô, nhất là trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

          Ngay từ ngày đầu xâm lược Việt Nam, thực dân Pháp đã chọn tỉnh Sơn Tây (cũ) là nơi tập trung xây dựng căn cứ quân sự khống chế toàn bộ khu vực đồng bằng sông Hồng; để từ đây tiến công lên Việt Bắc, Tây Bắc, tiêu diệt lực lượng kháng chiến. Cho nên, chúng tập trung xây dựng ở đây một lực lượng binh lực mạnh, nhiều đồn, bốt, tạo thành vành đai trắng, nhằm chia rẽ, cô lập lực lượng cách mạng với Nhân dân, biến thành nơi chỉ huy các vùng lân cận của tỉnh Sơn Tây.

          Ngay trong sào huyệt của kẻ thù, Nhân dân Thị xã đã có nhiều hình thức đấu tranh với địch như chống càn quét, khủng bố và xây dựng cơ sở giúp cán bộ cách mạng hoạt động. Kết hợp với các hoạt động của lực lượng vũ trang trên chiến trường, quân dân Thị xã mở đợt hoạt động chính trị sâu rộng trong lòng Thị xã là trung tâm tỉnh lỵ, nơi địch có bộ máy ngụy quân, ngụy quyền rất mạnh. Trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ (đầu năm 1954), du kích xã Viên Sơn đã treo cờ trên cây găng ngã tư La Thành và trên cây gạo đầu làng Phù Sa, tung truyền đơn vào Rạp hát Thị xã gây hoang mang dao động trong hàng ngũ ngụy quân, ngụy quyền của địch.

          Trước sự tấn công mãnh mẽ trên mặt trận quân sự, chính trị của quân và dân Sơn Tây, địch tìm mọi cách đối phó, tổ chức nhiều cuộc vây ráp, bắt bớ. Tuy nhiên, bọn ngụy quân phần lớn là thanh niên bị cưỡng bức đi lính làm bia đỡ đạn cho chúng nên tinh thần rất hoang mang, sợ chiến đấu, không dám đi vào ban đêm và bắt đầu có hiện tượng đào, rã ngũ.

          Cuối tháng 4 đầu tháng 5-1954, Tỉnh ủy Sơn Tây chỉ đạo phát triển hoạt động vũ trang sâu vào trong lòng địch, tập kích nhiều vị trí quanh thị xã như: Trạm gác Bảo Chính đoàn ở Chốt Nghệ (cửa ngõ phía nam từ Hà Nội đi Sơn Tây), bốt Commăngđô Phù Sa (xã Viên Sơn); đánh bốt Commăngđô ở Ái Mỗ (Trung Hưng); du kích xã Đường Lâm đánh, diệt gọn một trung đội địa phương quân của địch tại Cam Thịnh; bao vây, chặn đánh bọn lính Thổ tại gò Đồng Xấu, Đông Sàng, bốt Văn Miếu… Trong các trận đánh, đã bắt sống và giết chết hơn 50 tên, thu nhiều vũ khí, quân trang, quân dụng của địch.

          17 giờ 30 phút ngày 7-5-1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng. Tin chiến thắng ở Điện Biên Phủ nhanh chóng truyền về thị xã, làm cho địch ở Sơn Tây rất lo sợ, bối rối, đào, rã ngũ hàng loạt. Lợi dụng thời cơ đó, lực lượng binh vận của ta vận động binh lính bốt Jini Bến Tàu trói bọn chỉ huy, 40 tên địch đã ra hàng. Từ tháng 6/1954 quân Pháp ở thị xã rút dần về Hà Nội. Cờ đỏ sao vàng xuất hiện ngày càng nhiều, truyền đơn, áp phích tuyên truyền tin thắng lợi của ta được tung, dán khắp nơi ở bến xe, bãi chợ, nơi công cộng, trước công sở của địch. Nhiều tên lính thấy áp phích của ta xúm lại xem nhưng không dám xé.

          Đêm 16-7-1954, quân Pháp dùng đại bác từ Thành cổ và bốt Phù Sa liên tiếp bắn phá vào các xã Đường Lâm, Sơn Đông làm cho hàng chục người dân bị chết, bị thương, hàng trăm ngôi nhà bị cháy, đổ, hư hỏng nặng. Đặc biệt, sáng ngày 17-7-1954, Pháp dùng xe tăng, xe cơ giới, bộ binh có pháo binh yểm trợ gồm 200 tên tấn công vào Đường Lâm giải vây bốt Văn Miếu, khai thông đường Sơn Tây - Trung Hà và đón quân từ Trung Hà rút về Thị xã. Bộ đội địa phương và du kích xã đã chống trả quyết liệt, đến chiều, chúng phải rút về cố thủ ở trung tâm Thị xã. Đây cũng là phản ứng cuối cùng báo hiệu giờ tận số của Pháp ở Sơn Tây.

          Ngày 21-7-1954, Hiệp định Giơnevơ đã được ký. Thực hiện lệnh ngừng bắn, quân địch còn lại ở Sơn Tây được phép rút về Hà Nội để tập kết ở Hải Phòng trước khi rút vào miền Nam. Ta đã cho địch tập trung về Thị xã, chờ quân ta vào tiếp quản. Theo thoả thuận giữa hai bên, ngày 5-8-1954, địch phải rút khỏi Sơn Tây, nhưng trước sức mạnh áp đảo của quân ta và khí thế đấu tranh mạnh mẽ của quần chúng thị xã, quân đội viễn chinh Pháp phải rút khỏi Thị xã vào ngày 3-8-1954, chấm dứt 71 năm đô hộ của thực dân Pháp trên đất Sơn Tây (1883-1954); xóa bỏ chế độ áp bức, bóc lột, Nhân dân lao động vĩnh viễn đứng lên làm chủ vận mệnh của mình và phấn khởi xây dựng xã hội mới.

          Ngày 3-8-1954, kỷ niệm 9 năm Cách mạng Tháng Tám thành công, thị xã Sơn Tây sạch bóng quân Pháp xâm lược. Khoảng hơn 2 giờ chiều, cán bộ và Nhân dân thị xã tập hợp xếp hàng đi bộ trên Đường 11A (Quốc lộ 32 ngày nay) cách trung tâm Thị xã khoảng 1km, giương cao cờ, băng, khẩu hiệu tiến về Chốt Nghệ Thị xã. Đến đầu Chốt Nghệ, đoàn được đồng bào hai bên đường hân hoan, reo hò, mừng đón. Đến trung tâm Thị xã gặp các đơn vị bộ đội hùng dũng từ các ngả đường tiến vào tiếp quản. Nhân dân treo cờ, căng khẩu hiệu, panô, treo ảnh Bác Hồ, trưng bày tranh ảnh, báo chí về cuộc kháng chiến trong cả nước và trong tỉnh. Buổi tối, nhân dân tập trung ở Quảng trường và Vườn hoa trước Phòng Thông tin để nghe tin tức, ca nhạc rất đông. Đó là một ngày không có tiếng súng, không có những trận giao tranh dữ dội. Thị xã được tiếp quản trong không khí thanh bình, rộn rã với những gương mặt rạng ngời hạnh phúc.

          Tỉnh ủy, Ủy ban Kháng chiến hành chính trực tiếp đứng ra tiếp nhận bộ máy chính quyền quân sự cấp tỉnh của địch. Tỉnh cử ba đoàn đặc phái viên về tiếp quản ba khu phố trong nội thị. Mấy ngày sau đó, cuộc mít tinh lớn khoảng một vạn người tham gia được tổ chức ở Sân vận động thị xã. Các đơn vị bộ đội chủ lực cùng bộ đội địa phương, dân quân du kích diễu hành qua Thị xã trước khi tiến vào sân vận động.

          Sau khi giải phóng, chính quyền, quân và dân thị xã Sơn Tây bước vào xây dựng cuộc sống mới với khí thế mới. Giữa không khí tươi vui, nhộn nhịp đó, thị xã Sơn Tây vinh dự được đón tiếp Trung ương Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đường từ chiến khu Việt Bắc trở về Thủ đô đã ở lại và làm việc tại thị xã. Ngày 12 và 13-10-1954, Bác đã tổ chức cuộc họp Hội đồng Chính phủ để quyết định một số công việc đối nội và đối ngoại của Nhà nước ta.

          Ngày 3 - 8 hàng năm đã trở thành ngày truyền thống vẻ vang của Đảng bộ, quân và dân Sơn Tây, đánh dấu thành quả một giai đoạn anh dũng quật cường, ý chí sắt đá và tinh thần đoàn kết trong đấu tranh cách mạng, sống chết vì quê hương, đất nước. Trải qua 69 năm xây dựng và phát triển, thị xã Sơn Tây đã và đang có những bước chuyển mình lớn, vươn lên hội nhập cùng các quận, huyện bạn, phấn đấu trở thành đô thị vệ tinh của Thủ đô Hà Nội, góp phần xây dựng Thành phố ngày càng giàu đẹp, văn minh.

THÔNG BÁO

Video