ĐIỀU ĐẶC BIỆT VỀ VỊ TƯỚNG ĐƯỢC BÁC HỒ ĐẶT TÊN, 27 TUỔI ĐƯỢC PHONG QUÂN HÀM ĐẠI TÁ
ĐIỀU ĐẶC BIỆT VỀ VỊ TƯỚNG ĐƯỢC BÁC HỒ ĐẶT TÊN, 27 TUỔI ĐƯỢC PHONG QUÂN HÀM ĐẠI TÁ
Năm 1975, vị tướng này là Tư lệnh mặt trận Tây Nguyên, đã giáng đòn điểm huyệt vào quân đội VNCH, mở đầu cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân 1975, tiếp nối là Chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975).
Đại tá trẻ nhất trong lịch sử QĐND Việt Nam
Thượng tướng Hoàng Minh Thảo, tên khai sinh là Tạ Thái An, sinh ngày 25/10/1921 tại xã Bảo Khê, huyện Kim Động (nay thuộc TP.Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên). Từ nhỏ, ông đã sớm chứng kiến cảnh nước mất nhà tan, nung nấu lòng yêu nước và tinh thần cách mạng.
Năm 1937, khi mới 16 tuổi, ông đã tham gia phong trào yêu nước tại Lạng Sơn, rồi gia nhập Việt Minh vào năm 1941. Trong thời gian hoạt động, ông được cử đi học quân sự tại Liễu Châu (Trung Quốc) và vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt tên là Hoàng Minh Thảo - cái tên thể hiện sự thông minh, cương trực và trung thành với cách mạng.
Tháng 3/1945, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương và có nhiều đóng góp trong Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám 1945.
Tháng 10/1945, khi mới 24 tuổi, ông đã được giao làm Khu trưởng Chiến khu 3, thay tướng Nguyễn Bình vào Nam làm Tư lệnh Nam Bộ. Năm 1948, Hoàng Minh Thảo là đại tá trẻ nhất toàn quân được phong cấp hàm khi mới 27 tuổi.
Từ Tư lệnh Chiến khu 3, ông được cử vào Chiến khu 4 thay tướng Nguyễn Sơn. Năm 1950, Đại tá Hoàng Minh Thảo được cử làm Đại đoàn trưởng Đại đoàn 304 - đơn vị bộ đội chủ lực chiến đấu vừa được thành lập.
Cuộc đời binh nghiệp của Thượng tướng Hoàng Minh Thảo là một bản anh hùng ca gắn liền với những chiến công vang dội. Năm 1975, ông là Tư lệnh mặt trận Tây Nguyên, đã giáng đòn điểm huyệt vào quân lực Việt Nam cộng hòa, mở đầu cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mùa xuân 1975, tiếp nối là Chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975).
Bậc thầy trong nghệ thuật dụng binh
Trong cuộc đời binh nghiệp, Thượng tướng Hoàng Minh Thảo đã trải qua hàng trăm trận chiến đấu với những quy mô khác nhau. Được trau dồi kiến thức tác chiến hiện đại tại Trung Quốc, Liên Xô, nhưng ông hoàn toàn không máy móc mà luôn vận dụng sáng tạo lý luận vào điều kiện thực tiễn tác chiến ở chiến trường.
Trong thực tế tác chiến, ông đã vận dụng hết sức sáng tạo quan điểm về dùng mưu, lập kế, tạo thế, tranh thời. Đặc biệt, ông rất coi trọng phát huy tư duy sáng tạo của người chỉ huy. Ông cho rằng, muốn chiến thắng địch, người chỉ huy phải biết đánh “bằng cái đầu”, bằng mưu mẹo, lừa dụ địch.
Sau chiến tranh, ông được chỉ định là người đứng đầu những cơ sở đào tạo sĩ quan trung, cao cấp của quân đội. Hàng vạn cán bộ cao cấp, trong đó có hàng trăm tướng lĩnh quân đội đã được đào tạo đều có công lao đóng góp của ông.
Từ năm 1977, ông được phân công giữ chức Viện trưởng Học viện Quân sự cao cấp (nay là Học viện Quốc phòng). Đến tháng 3/1990, ông được bổ nhiệm Viện trưởng đầu tiên của Viện Chiến lược quân sự (nay là Viện Chiến lược quốc phòng).
Ông được bầu là Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa IV; Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa V.
Ông được thăng quân hàm Thiếu tướng năm 1959, Trung tướng năm 1974, Thượng tướng năm 1984, được đặc cách phong hàm Giáo sư năm 1986 và được phong tặng Danh hiệu Nhà giáo nhân dân năm 1988. Ông còn là tác giả của nhiều tác phẩm về lĩnh vực quân sự, được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh cho cụm công trình nghiên cứu về nghệ thuật quân sự.
Cố Trung tướng Phạm Hồng Cư (nguyên Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam) từng nêu rõ: Thượng tướng Hoàng Minh Thảo là người ba công lớn. Thứ nhất, ông là một vị tướng giỏi về trận mạc, uyên thâm về lý luận quân sự, được Đại tướng Võ Nguyên Giáp rất tin tưởng và quý trọng. Thời kỳ Cách mạng Tháng Tám năm 1945, ông Thảo đã thay ông Nguyễn Bình làm Tư lệnh Chiến khu Ba, giải phóng được Móng Cái, Hà Khẩu, tổ chức chống Pháp ở Hải Phòng. Ông tổ chức huấn luyện du kích rất giỏi, sau ông được điều động về làm Tư lệnh Quân khu 4. Thứ hai, ông làm Tư lệnh mặt trận Tây Nguyên, là linh hồn trong Chiến dịch Tây Nguyên. Thứ ba, ông là một trong những người đặt nền móng cho Học viện Quân sự Cao cấp (nay là Học viện Quốc phòng)...
Thượng tướng Hoàng Minh Thảo qua đời ngày 8/9/2008. Với nhiều công lao, cống hiến xuất sắc cho sự nghiệp cách mạng của Ðảng, Nhà nước, quân đội, Thượng tướng, Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Hoàng Minh Thảo đã được Ðảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Ðộc lập hạng nhất, Huy hiệu 60 năm tuổi đảng, được truy tặng Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và nhiều phần thưởng cao quý khác.


