CẢNH GIÁC VỚI LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC VỀ THỂ CHẾ CHÍNH TRỊ Ở VIỆT NAM

10/02/2025
CẢNH GIÁC VỚI LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC VỀ THỂ CHẾ CHÍNH TRỊ Ở VIỆT NAM
Thể chế chính trị ở Việt Nam được xác lập từ khi Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời sau Cách mạng tháng Tám năm 1945. Trải qua gần 80 năm xây dựng, thể chế chính trị ở nước ta ngày càng hoàn thiện và chứng tỏ là thể chế chính trị tiến bộ. Tuy nhiên, lợi dụng vào Internet và các ấn phẩm đi kèm, với quan điểm đối lập về ý thức hệ, website bbctiengviet đăng tải một số bài viết xuyên tạc về thể chế chính trị ở Việt Nam. Trong đó, đáng chú ý là bài viết “Việt Nam, đã chín muồi cho một cuộc cải cách?” của Đinh Đức Hùng. Nội dung bài viết này có nhiều thông tin xoay quanh cuộc cách mạng cải cách thể chế, tinh gọn tổ chức, bộ máy ở Việt Nam và qua đó xuyên tạc thể chế chính trị ở nước ta.
Thứ nhất, Đinh Đức Hùng phản ánh về chế độ “độc tài” ở Việt Nam là hoàn toàn xuyên tạc. Blogger này viện dẫn ý kiến của ông Nguyễn Gia Kiểng, thành viên một tổ chức phản động tại Pháp là Tập hợp Dân chủ Đa nguyên để cho rằng, “thể chế chính trị tại Việt Nam đã đi hết con đường”, và “nền độc tài bắt buộc phải thay đổi”. Thật vô lý với luận điệu xuyên tạc này của Đinh Đức Hùng, vì thực tế cho thấy, thể chế chính trị ở Việt Nam là thể chế chính trị tiến bộ, mang lại quyền làm chủ thực sự cho mọi người dân, được ghi nhận và bảo đảm thực hiện bằng Hiến pháp và pháp luật. Thể chế chính trị đó đặt dưới sự lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam, chưa bao giờ áp đặt quyền lực lên nhân dân, mà luôn “dựa vào dân”, “lấy dân làm gốc” trong mọi chủ trương, đường lối của Đảng. Mọi người dân Việt Nam có quyền tự do ngôn luận theo luật định và được bảo vệ quyền đó bằng quy định của pháp luật, đồng thời người dân là chủ thể cao nhất của quyền lực nhà nước, làm chủ sự nghiệp đổi mới, xây dựng đất nước. Do vậy, thể chế chính trị ở Việt Nam thật sự tiến bộ, cách mạng, hoàn toàn phù hợp với xu thế khách quan của thời đại, nên mọi luận điệu vu cáo về chế độ “độc tài” ở nước ta hiện nay chỉ là sự bịa đặt vô căn cứ.
Thứ hai, Đinh Đức Hùng nêu lên hiện thực xã hội mất lòng tin do bất công, bế tắc của thể chế và quy kết đây là hậu quả nền giáo dục sai lầm, là sự vu cáo trắng trợn sự thật. Đây là lập luận vô cùng phi lý của blogger này, vì nó chỉ dựa trên suy diễn cá nhân, mà không hề dựa trên thực tiễn dư luận xã hội và kết quả điều tra chỉ số lòng tin của các tầng lớp nhân dân ở Việt Nam. Trải qua gần 40 năm đổi mới đất nước, chưa bao giờ nước Việt Nam có được cồ đồ, vị thế, uy tín quốc tế như ngày nay. Đặc biệt, trong nhiệm kỳ từ Đại hội XIII năm 2021 đến nay, dù đối diện với muôn vàn khó khăn, thách thức từ tình hình bên ngoài, nhưng kinh tế Việt Nam vẫn là điểm sáng của khu vực và quốc tế; người dân ngày càng được thụ hưởng đầy đủ mọi quyền đáng được hưởng và đoàn kết, đóng góp trách nhiệm trong xây dựng đất nước. Chủ trương đổi mới, tinh gọn tổ chức, bộ máy là sự nhất quán của Đảng ta, đồng thời được tất cả các tầng lớp nhân dân đồng thuận, ủng hộ cao. Thể chế được Đại hội XIII xác định là khâu đột phá, để tiếp tục hoàn thiện chế độ dân chủ và nâng cao quy trình quản trị xã hội văn minh. Nền giáo dục Việt Nam dù còn những bất cập do bệnh hình thức, nhưng có nhiều chuyển biến tích cực, được UNESCO và nhiều tổ chức giáo dục độc lập trên thế giới ghi nhận, đánh giá cao. Vì thế, suy diễn của Đinh Đức Hùng hoàn toàn lố bịch và không hề dựa trên luận cứ khoa học nào.
Thứ ba, yêu cầu mà Đinh Đức Hùng nêu ra đòi thay đổi cách quản trị xã hội và áp dụng công thức tự do, dân chủ của xã hội phương Tây là hoàn toàn phiến diện. Điều mà blogger này mong muốn thật nực cười, vì một thể chế chính trị tiến bộ đang ngày càng được hoàn thiện ở trình độ cao, phù hợp xu thế khách quan của thời đại, thì sao phải áp dụng công thức tự do, dân chủ của xã hội phương Tây?. Thực tế đã chứng minh, thể chế chính trị và nền dân chủ ở Pháp hay Mỹ được xác lập sau các cuộc cách mạng tư sản, nhưng không phải khi cách mạng tư sản thành công mà người dân Pháp hay Mỹ đã được hưởng ngay quyền, lợi ích cơ bản. Ngay trên nước Pháp, sau bản Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền nổi tiếng năm 1789, và sau đó là sự ra đời của Hiến pháp đầu tiên của nước Pháp là Hiến pháp năm 1791, song sự thực là đa số người lao động ở Pháp không được hưởng các quyền tự do, dân chủ như khẩu hiệu “Tự do, bình đẳng, bác ái” mà giai cấp tư sản Pháp giương lên. Ngay cả phụ nữ Pháp cũng không được ngang quyền với nam giới, mà phải đến năm 1945, tức gần 200 năm sau Cách mạng tư sản Pháp, thì phụ nữ Pháp mới được thừa nhận quyền bình đẳng với nam giới. Trong khi đó, ngay sau khi Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời, phụ nữ Việt Nam đã bình đẳng với nam giới, và được chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước bảo đảm thực hiện. Hiện nay, thể chế chính trị tiến bộ ở Việt Nam thực sự đem lại cuộc sống tốt đẹp cho mọi người dân Việt Nam, đây là lẽ phải mà không ai có thể phủ nhận.
Như vậy, lập luận của Đinh Đức Hùng trên website của bbctiengviet hoàn toàn chỉ là sự xuyên tạc trắng trợn về thể chế chính trị ở Việt Nam. Đây chỉ là chiêu trò mang danh “tự do, dân chủ”, song về bản chất lại là sự xuyên tạc, phủ nhận thành quả và chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước Việt Nam về hoàn thiện thể chế chính trị, nên chúng ta cần nêu cao cảnh giác và đấu tranh loại bỏ.

THÔNG BÁO

Video